ETF là gì?
ETF (Exchange Traded Fund – Quỹ hoán đổi danh mục) là quỹ đầu tư với mục đích mô phỏng biến động của một nhóm tài sản nhất định (ví dụ cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu năng lượng, hàng hoá, trái phiếu, crypto…). ETF được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán.
ETF là một sản phẩm đầu tư giúp người dùng có số vốn hạn chế tiếp cận nhiều loại tài sản khác nhau với mức chi phí tiết kiệm. ETF cũng là giải pháp giúp các nhà đầu tư cá nhân tiết kiệm thời gian nghiên cứu mà vẫn đảm bảo tính đa dạng trong danh mục.
Các đơn vị thiết kế và phát triển ETF sẽ quyết định các loại tài sản cũng như phân bổ tỷ trọng đầu tư vào từng loại tài sản trong quỹ.
Ví dụ về quỹ ETF có thể kể tới:
- Quỹ SPX: Mô phỏng biến động của chỉ số S&P500.
- Quỹ BOND: Danh mục của quỹ bao gồm các trái phiếu khác nhau do chính phủ và tổ chức phát hành.
- Quỹ DBC: ETF được phát triển do Invesco đầu tư vào thị trường hàng hoá.
- …
Nhu cầu về ETF xuất phát từ đâu?
Nhu cầu đầu tư, tích luỹ tài sản luôn hiện hữu trong nền kinh tế, nhu cầu này đặc biệt cao đối với các sản phẩm trên thị trường chứng khoán bởi mức lợi nhuận hấp dẫn nó mang lại.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao đi kèm rủi ro lớn, điều này không chỉ đúng với thị trường chứng khoán mà còn với nhiều thị trường khác như bất động sản, hàng hoá…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư với số vốn nhỏ không thể đầu tư nhiều loại tài sản khác nhau cùng một lúc. Nguyên nhân là do các quy định cũng như các vấn đề hệ thống nên việc giao dịch lô lẻ, chia nhỏ các loại tài sản để có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư đại chúng rất hạn chế. Hơn nữa, việc tự tìm hiểu để đầu tư cũng mất nhiều thời gian và cần kiến thức chuyên môn, không phải ai cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng.
Do đó, các sản phẩm ETF ra đời để phục vụ nhu cầu đầu tư của đại chúng. Các sản phẩm ETF giúp nhà đầu tư:
- Đa dạng hoá danh mục với mức chi phí và nguồn vốn ban đầu thấp.
- Đầu tư dễ dàng hơn do không mất nhiều thời gian tìm hiểu chuyên sâu về từng loại tài sản cụ thể. Các vấn đề về phân bổ tỷ trọng cũng như tối ưu danh mục đã có đội ngũ các công ty phát hành ETF lo.
- Mua bán dễ dàng do các sản phẩm này được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Mô hình hoạt động của các quỹ ETF
Mô hình hoạt động của các quỹ ETF được mô phỏng qua 3 quá trình như sau:
Quá trình tạo lập:
- Các công ty phát hành ETF sẽ nghiên cứu ra mắt sản phẩm quỹ cụ thể.
- Tỷ trọng hoặc các loại tài sản quỹ sở hữu sẽ được xem xét, đánh giá và thay đổi thường xuyên để đạt mục tiêu quỹ đề ra.
- Công ty phát hành sau đó sẽ phát hành chứng chỉ quỹ ETF thể hiện việc sở hữu một phần danh mục trong quỹ.
- Công ty phát hành có thể thu phí định kỳ.
Giao dịch trên thị trường sơ cấp:
- Các nhà đầu tư có thể trực tiếp mua chứng chỉ quỹ ETF với số lượng lớn từ công ty phát hành.
- Các nhà đầu tư giao dịch trên thị trường thứ cấp không mua ETF bằng tiền mà bằng danh mục chứng khoán mà công ty quản lý đã đưa ra bên trên.
- Đây là quá trình đổi danh mục đầu tư lấy chứng chỉ quỹ ETF (thể hiện cho việc nắm giữ danh mục trong quỹ).
- Các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp thường là những tổ chức đầu tư lớn, nhà tạo lập thị trường hoặc thành viên sáng lập quỹ.
Giao dịch trên thị trường thứ cấp:
- Hầu hết giao dịch ETF sẽ được các nhà đầu tư đại chúng thực hiện trên đây .
- Nhà đầu tư cá nhân có thể mua /bán, sở hữu chứng chỉ quỹ ETF và nhận được những lợi ích kể trên.
- Ngoài ra sẽ có hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) của các nhà tạo lập thị trường.
- Hoạt động arbitrage sẽ đảm bảo tính thanh khoản của ETF và giúp giá của chứng chỉ quỹ ETF biến động sát nhất với giá tài sản cơ sở (danh mục/tài sản cơ sở trong quỹ).
Lịch sử phát triển của ETF
Lịch sử phát triển của ETF được tác giả dựa trên bài viết “A Brief History of Exchange-Traded Funds” (nguồn: Investopedia).
Nỗ lực tạo ra quỹ ETF bất đầu với sự ra mắt của Index Participation Shares cho S&P500 vào năm 1989. Tuy nhiên, Hội đồng Liên bang Chicago quyết định rằng sản phẩm này hoạt động theo cơ chế hợp đồng tương lai và giao dịch trên sàn giao dịch phái sinh.
Nỗ lực tiếp theo thuộc về Sở Giao dịch Chứng khoán Toronto vào năm 1990 với sự ra mắt của Toronto 35 Index Participation Units (TIPs 35) để theo dõi chỉ số TSE-35 Index.
Vào năm 1993, S&P500 Trust ETF đượci State Street Global Investors cho ra mắt để mô phỏng biến động của chỉ số S&P500. Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là một trong những ETF phổ biến nhất.
Ngành công nghiệp ETF được phổ cập và bùng nổ khi Barclay – một tổ chức tài chính lớn có trụ sở tại Vương quốc Anh tham gia phát triển vào năm 1996. Sau đó vào năm 2001, Vanguard – “gã khổng lồ” trong ngành quản lý quỹ bên cạnh BlackRock, cũng ra mắt những sản phẩm ETF đầu tiên.
Bắt đầu từ một quỹ vào năm 1993, ngành công nghiệp ETF hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu với sự xuất hiện của hơn 7,100 quỹ ETF (năm 2020) do hơn 160 tổ chức phát hành.
Phân loại các quỹ ETF
Theo phương pháp quản lý
Căn cứ theo phương pháp quản lý, ETF được chia làm hai loại là quản lý chủ động và quản lý thụ động.
ETF được quản lý thụ động là những quỹ được xây dựng với mục tiêu sở hữu một danh mục có biến động theo sát một chỉ số (index) hay một loại tài sản được đề ra trước đó. Các nhà quản lý quỹ ETF thụ động sẽ không thể dễ dàng tự do thay đổi, mua bán để tăng tỷ trọng tài sản ban đầu trong quỹ.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về quỹ ETF thụ động tại đây.
Ngược lại, các nhà quản lý quỹ ETF chủ động có sự linh hoạt để giao dịch các tài sản trong quỹ với mục tiêu lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, khi nắm giữ chứng chỉ quỹ của các ETF được quản lý chủ động, khách hàng cũng sẽ phải chịu mức phí cao hơn.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về quỹ ETF chủ động tại đây.
Theo phân bổ tài sản
Căn cứ theo loại tài sản, có thể chia ETF thành rất nhiều loại khác nhau:
- ETF cổ phiếu: Các tài sản trong quỹ là cổ phiếu, ví dụ điển hình có thể kể tới quỹ SPY (quỹ ETF cổ phiếu mô phỏng biến động của chỉ số S&P500).
- ETF trái phiếu: Các tài sản trong quỹ là các loại trái phiếu khác nhau.
- ETF hàng hoá: Các tài sản trong quỹ là các loại hàng hoá hoặc có thể là hợp đồng tương lai hàng hoá.
Bên cạnh đó còn rất nhiều loại quỹ ETF khác như ETF theo từng nhóm ngành, ETF các sản phẩm phái sinh, ETF hỗn hợp (kết hợp nhiều loại ETF kể trên)…
Hiện tại, quỹ ETF đã có mặt tại Việt Nam với nhiều công ty phát hành. Video dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu một số quỹ cũng như phân loại các quỹ nhé!
Lợi ích ETF mang lại cho thị trường
Tăng thanh khoản
Như đã đề cập ở trên trong mô hình hoạt động, các quỹ ETF cần sự tác động từ các market maker để giá của chứng chỉ quỹ ETF sát với giá trị danh mục trong quỹ.
Hoạt động kinh doanh chênh lệch giá của các market maker bao gồm việc mua bán các tài sản trong danh mục của quỹ. Từ đó, hoạt động này giúp gia tăng thanh khoản cho toàn bộ thị trường (cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá, crypto…)
Thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong dài hạn
Dựa trên cơ sở đơn giản hoá các sản phẩm đầu tư (chứng khoán, hàng hoá, bất động sản…) giúp chúng tiếp cận dễ dàng hơn với số đông, ETF trở thành một cột trụ thúc đẩy sự tăng trưởng trong dài hạn của thị trường tài chính.
Vào cuối năm 2021, vốn hoá của các quỹ ETF trên toàn cầu đạt 9.94 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2002 – 2021 đạt 25.6%/năm.
Dựa trên sự tăng trưởng về vốn hoá có thể thấy rằng, sản phẩm ETF hiện vẫn đang làm tốt ít nhất một trong hai vai trò:
- Đảm bảo mức lợi nhuận cho nhà đầu tư.
- Là phương tiện thu hút nguồn vốn vào thị trường tài chính.
Làm sao để lựa chọn một quỹ ETF phù hợp?
Có nên đầu tư vào ETF hay không?
Các quỹ ETF thụ động mô phỏng biến động theo chỉ số được thiết kế với triết lý:
- Thị trường sẽ có xu hướng tăng trong khoảng thời gian dài.
- Do đó, việc mua nắm giữ, tối thiểu hoá chi phí và đảm bảo tối đa đa dạng hoá danh mục là điều các nhà đầu tư không có chuyên môn nên ưu tiên.
ETF (đặc biệt là ETF quản lý thụ động mô phỏng biến động chỉ số) luôn được xem là một phương pháp đầu tư mang lại mức lợi nhuận tốt trong dài hạn.
Trên thực tế, ví dụ điển hình nhất cho điều này là chỉ số S&P500, chỉ số này đã có mức tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm là 5.45% trong giai đoạn 1928-2022 và 7.6% trong vòng 30 năm trở lại đây.
Tại Wall Street, một khảo sát đã được thực hiện nhằm so sánh hiệu suất của S&P500 với các quỹ đầu tư chủ động, kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ 1970 – 2006, chỉ 6.7% số quỹ trong khảo sát có thể đánh bại mức sinh lời của S&P500.
Hơn nữa, chi phí quản lý của ETF thụ động thấp hơn rất nhiều so với các quỹ chủ động, do vậy nhà đầu tư còn được lợi thế về chi phí.
Do đó, nếu các phân tích và đánh giá chỉ ra được một thị trường hay nhóm ngành sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn, thì ETF sẽ là giải pháp đầu tư hiệu quả dành cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp và có ít thời gian tìm hiểu về đầu tư.
Lựa chọn dựa trên các thông tin cơ bản
Các thông tin cơ bản nhất của một quỹ ETF bao gồm:
- Chi phí quản lý quỹ
- Số vốn đầu tư tối thiểu
- Triết lý đầu tư và mục tiêu của quỹ
- Tính minh bạch và các vấn đề pháp lý liên quan
- Thanh khoản
Triết lý đầu tư và mục tiêu của quỹ cho biết quỹ được thành lập với mục tiêu gì, được quản lý theo phương pháp nào (chủ động hay bị động). Ngoài ra, xem xét thông tin này cũng sẽ giúp nhà đầu tư biết được các loại tài sản mà quỹ tập trung đầu tư.
Về chi phí quản lý quỹ và số vốn đầu tư tối thiểu, đây là thông tin quan trọng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận thực tế mà nhà đầu tư thu về.
Tính minh bạch và các vấn đề pháp lý liên quan sẽ bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro về đạo đức. Bên cạnh đó, có được thông tin cập nhật thường xuyên về các thay đổi danh mục trong quỹ cũng sẽ giúp nhà đầu tư phần nào đánh giá được hiệu suất của quỹ trong tương lai để hành động.
Lựa chọn dựa trên các chỉ tiêu về lợi nhuận/rủi ro
Đầu tiên, chúng ta cần đánh giá mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân để đưa ra được kế hoạch đầu tư và nguồn vốn phân bổ đầu tư ETF hợp lý. Do ETF là các sản phẩm đầu tư mang tính chất dài hạn nên việc lập kế hoạch cụ thể là điều cần thiết.
Sau đó, đối với một quỹ ETF cụ thể, chúng ta cần đánh giá mức độ lợi nhuận của quỹ trong quá khứ để trả lời các câu hỏi:
- Trong quá khứ, quỹ ETF đó có đạt được đúng mục tiêu họ đề ra hay không?
- Lợi nhuận thực tế đã trừ đi chi phí của quỹ ra sao nếu đầu tư trong một thời gian dài?
- Liệu có sản phẩm nào tương tự với mức lợi nhuận tốt hơn không?
Bên cạnh việc đánh giá kết quả trong quá khứ, nhà đầu tư cũng cần có những đánh giá cá nhân về tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của các loại tài sản/chỉ số mà ETF đó đang phân bổ nguồn vốn vào.
Và cuối cùng, chúng ta sẽ tiến hành liệt kê và đo lường mức độ rủi ro của ETF.
Đối chiếu với kế hoạch đầu tư, mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân và các chỉ tiêu về lợi nhuận để từ đó đưa ra quyết định.
Lời kết
ETF là một sản phẩm được thiết kế để phục vụ nhu cầu đầu tư đại chúng. Nếu bạn là người có nhu cầu đầu tư và không có quá nhiều thời gian tìm hiểu sâu về một loại tài sản cụ thể, thì ETF sẽ là công cụ thích hợp để tối đa hoá lợi ích do các ưu điểm kể trên mà chúng sở hữu.
Tuy mang lại nhiều lợi ích và do những công ty đầu tư chuyên nghiệp quản lý, nhưng chúng ta vẫn cần xem xét nhiều yếu tố trước khi lựa chọn bất kỳ một sản phẩm ETF nào trên thị trường.