Play-to-Airdrop là gì?
Play-to-Airdrop là phương thức thưởng token hoặc NFT qua airdrop khi người chơi tham gia các hoạt động đặc biệt trong game.
Mô hình này khuyến khích người chơi tham gia lâu dài và thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động như quảng bá game trên mạng xã hội, hoàn thành sự kiện cộng đồng, hay tham gia các nhiệm vụ đặc biệt. P2A khác biệt với P2E ở chỗ phần thưởng không có sẵn tức thì mà người chơi cần phải tích cực và duy trì gắn bó với game.
Nguyên nhân phát triển Play-to-Airdrop
Play-to-Airdrop (P2A) nổi lên trong năm 2024 như một sự thay thế sáng tạo cho mô hình Play-to-Earn (P2E) truyền thống, tập trung vào việc gia tăng sự gắn kết của người chơi và xây dựng cộng đồng.
Trong bối cảnh P2E ngày càng gặp khó khăn với việc kiểm soát lạm phát token và giữ chân người chơi, P2A được coi là một giải pháp giúp cân bằng nền kinh tế trong game và thu hút người chơi thông qua các đợt airdrop dựa trên mức độ tham gia và thành tích của họ.
P2A không chỉ giúp giảm chi phí marketing cho các dự án game mà còn thu hút người chơi một cách tự nhiên hơn so với mô hình P2E. Trong P2A, người chơi hoàn thành nhiệm vụ hoặc tích lũy điểm để đủ điều kiện nhận airdrop, từ đó họ tham gia game lâu dài thay vì chỉ chơi để kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Cách tiếp cận này giúp tránh được tình trạng lạm phát token và duy trì tính bền vững của nền kinh tế trong game, điều mà nhiều game P2E gặp khó khăn trước đây.
Sự khác biệt giữa Play-to-Airdrop và Play-to-Earn
Thoạt nhìn, Play-to-Airdrop (P2A) và Play-to-Earn (P2E) có vẻ tương tự, nhưng mỗi mô hình lại có đặc điểm và mục tiêu riêng, mang đến những trải nghiệm và lợi ích khác nhau cho người chơi và cộng đồng.
Bản chất của phần thưởng
- Play-to-Earn (P2E): Phần thưởng được trao trực tiếp thông qua các token hoặc tài sản trong game và có thể giao dịch ngay lập tức, giúp người chơi tích lũy thu nhập.
- Play-to-Airdrop (P2A): Phần thưởng thường là token hoặc NFT được phát hành thông qua airdrop, có tính đầu cơ và phụ thuộc vào sự phát triển của dự án. Những tài sản này thường không có giá trị cố định ngay lập tức.
Tần suất nhận phần thưởng
- P2E: Các trò chơi P2E thường cung cấp phần thưởng liên tục dựa trên hiệu suất của người chơi trong game. Điều này cho phép người chơi tích lũy thu nhập đều đặn qua thời gian, mang lại lợi nhuận ổn định hơn.
- P2A: Ngược lại, P2A có tính chất ngắt quãng, các airdrop được kích hoạt khi đạt các mốc nhất định hoặc qua các sự kiện do nhà phát triển tổ chức. Điều này tạo cảm giác phấn khích, nhưng cũng đòi hỏi người chơi tham gia lâu dài.
Tương tác và gắn kết cộng đồng
- P2A: Mô hình này tập trung vào việc tăng cường tương tác và tạo bầu không khí sôi động trong cộng đồng người chơi. Lời hứa về một đợt airdrop trong tương lai thúc đẩy người chơi duy trì tương tác, nâng cao tính cộng đồng và khuyến khích người chơi gắn bó lâu dài.
- P2E: Với P2E, trọng tâm là xây dựng một nền kinh tế trong game nơi người chơi có thể kiếm và sử dụng token trong các giao dịch hàng ngày, từ đó tạo nên một nền kinh tế tuần hoàn hơn là một cộng đồng tương tác.
Giá trị phần thưởng
- P2E: Giá trị của phần thưởng P2E thường dựa vào giá trị hiện tại của token trong nền kinh tế game và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.
- P2A: Giá trị của token hoặc NFT từ P2A có tính đầu cơ cao hơn, có thể tăng mạnh do nhu cầu thị trường hoặc vì tính năng độc đáo trong game. Đặc biệt, các airdrop có thể mang giá trị rất cao nếu chúng có nguồn cung hạn chế hoặc đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái game.
Các trò chơi đã áp dụng Play-to-Airdrop
Năm 2024, nhiều tựa game Web3 đã triển khai các chiến dịch Play-to-Airdrop để thu hút người chơi và xây dựng nền kinh tế trong game. Một số dự án tiêu biểu như:
- Pixels: Game đã thu hút hơn 1 triệu người chơi hoạt động thông qua đợt airdrop token PIXEL. Người chơi tham gia tích cực vào các nhiệm vụ trong game và sử dụng token PIXEL trong các giao dịch trên thị trường. Pixels cho thấy sự gia tăng mạnh về lượng người chơi và mức độ tương tác nhờ vào chiến dịch airdrop của mình, giúp củng cố nền kinh tế nội bộ
- Spellborne trên mạng Avalanche: Với hơn 100,000 người đăng ký và 12,000 người dùng hoạt động hàng ngày, Spellborne đã chứng minh sức mạnh của P2A trong việc thu hút và giữ chân người chơi. Chiến dịch airdrop của Spellborne khuyến khích người chơi tham gia vào 2.1 triệu trận đấu và bắt giữ 140,000 quái vật, cho thấy mức độ tương tác cao nhờ vào mô hình P2A.
- Nifty Island: Một thế giới ảo nơi người chơi xây dựng và quản lý các đảo, đồng thời tham gia vào các sự kiện để nhận token ISLAND. Nifty Island còn hợp tác với hơn 120 cộng đồng NFT khác, cho phép người chơi dùng các nhân vật từ những cộng đồng này, tạo ra một không gian cộng đồng rộng lớn và độc đáo trong game. Mô hình này đã giúp game gia tăng đáng kể lượng người tham gia và tương tác.
- Kuroro Beasts: Người chơi tích lũy điểm thông qua các hoạt động để nhận được token KURO, từ đó có thể giao dịch hoặc tích trữ khi nhu cầu tăng cao trên thị trường. Tương tự như Pokémon, Kuroro Beasts là một trò chơi nơi người chơi thu thập và chiến đấu với các sinh vật kỹ thuật số. Trò chơi này thưởng cho người chơi bằng KURO tokens thông qua các sự kiện và nhiệm vụ trong game, đồng thời triển khai chiến dịch Play-to-Airdrop để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng
- MixMob: Trò chơi này đã áp dụng mô hình Play-to-Airdrop bằng cách khuyến khích người chơi quảng bá trò chơi và tham gia vào các sự kiện xã hội để nhận được token. MixMob đã thu hút được lượng lớn người chơi nhờ vào sự sáng tạo trong việc kết hợp NFT và văn hóa xã hội
- Nyan Heroes: Đây là trò chơi bắn súng PvP trên nền tảng Solana, với hệ thống Play-to-Airdrop cho phép người chơi nhận NYAN tokens thông qua các sự kiện và tương tác cộng đồng. Trò chơi này đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ vào thiết kế độc đáo và cơ hội nhận phần thưởng dễ dàng.
Case Study: Sự thành công của Spellborne với mô hình Play-to-Airdrop (P2A)
Tựa game Web3 Spellborne phát triển trên mạng Avalanche, đã đạt được thành công đáng chú ý trong năm 2024 nhờ mô hình Play-to-Airdrop (P2A).
Chiến lược triển khai mô hình P2A của Spellborne
Spellborne đã triển khai chiến dịch P2A với các yếu tố chính nhằm thu hút người chơi và tạo ra một hệ sinh thái game bền vững:
Nhiệm vụ và phần thưởng đa dạng: Spellborne khuyến khích người chơi tham gia vào các hoạt động và nhiệm vụ đa dạng, như bắt quái vật và tham gia trận đấu PvP. Người chơi hoàn thành các nhiệm vụ này sẽ tích lũy điểm để đổi lấy airdrop token KURO hoặc NFT đặc biệt. Gameplay của Spellborne khá giống với game Pokemon.
Tính đến năm 2024, Spellborne đã thu hút hơn 100,000 lượt đăng ký và 12,000 người dùng hoạt động hàng ngày nhờ các nhiệm vụ này, với tổng cộng 2.1 triệu trận đấu đã diễn ra và 140,000 quái vật bị bắt giữ, tạo ra mức độ tương tác cao và sự hứng thú lâu dài trong cộng đồng.
Cộng đồng gắn kết: Spellborne đã thiết lập các sự kiện xã hội như các giải đấu, guild và các trận PvP lớn nhằm tạo sân chơi cho người chơi tương tác và cạnh tranh.
Khoảng 50% tổng lượng token KURO được Spellborne phân phối qua các chương trình thưởng và sự kiện cộng đồng, không chỉ khuyến khích người chơi mà còn giúp duy trì giá trị của token nhờ vào cơ chế khan hiếm tài sản và airdrop có điều kiện. Cách làm này giúp kiểm soát lạm phát token và bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế trong game.
Chiến lược airdrop token và NFT: Khác với việc phát hành token ngay lập tức, Spellborne phân phối token KURO và các NFT thông qua airdrop dựa trên đóng góp của người chơi, giúp giảm rủi ro lạm phát token.
Spellborne đã phát hành các loại Apartment NFT khác nhau, từ các căn nhỏ đến penthouse cao cấp, mỗi loại có lợi ích riêng như trang phục đặc biệt và quyền ưu tiên trong các tài sản mới.
Đến năm 2024, các Apartment NFT này có giá sàn khoảng 0.2326 ETH trên thị trường thứ cấp, cho thấy giá trị và sức hút lớn trong cộng đồng. Người nắm giữ NFT không chỉ nhận được token từ airdrop mà còn được quyền tham gia whitelist trong các dự án mới của Mon Studios.
Spellborne đã phân bổ 10% tổng lượng token KURO dành cho các đợt airdrop trong mùa chơi đầu tiên cho người nắm giữ Apartment NFT và người chơi tích cực. Người chơi có thể nhận phần thưởng khi hoàn thành các nhiệm vụ, như săn quái vật, tham gia các trận đấu PvP, và đạt mốc sự kiện trong cộng đồng. Các nhiệm vụ này yêu cầu người chơi phải gắn bó và đóng góp, thay vì chỉ tham gia ngắn hạn.
Những con số đáng chú ý của Spellborne
Theo các báo cáo vào đầu năm 2024, Spellborne đã đạt được nhiều thành tựu nhờ vào mô hình Play-to-Airdrop:
- Tăng trưởng về người dùng: Spellborne đã thu hút hơn 100,000 người đăng ký và 12,000 người dùng hoạt động hàng ngày, cho thấy mô hình P2A giúp duy trì lượng người chơi ổn định.
- Mức độ tương tác cao: Trong các chiến dịch P2A, người chơi đã hoàn thành hơn 2.1 triệu trận đấu và săn bắt được 140,000 quái vật trong game, minh chứng cho mức độ tương tác và gắn kết của cộng đồng. Những con số này thể hiện sức hút và khả năng giữ chân người chơi lâu dài nhờ vào cơ chế thưởng theo thành tích.
Thị trường hiện tại và sức hút của Play-to-Airdrop
Play-to-Airdrop (P2A) trở thành xu hướng mới trong năm 2024 nhờ khả năng thu hút người chơi tham gia mà không cần đầu tư ban đầu, giúp game Web3 vừa tăng cường tương tác, vừa xây dựng cộng đồng bền vững.
Một ví dụ điển hình là game Pixels, mở đầu năm với sự kiện airdrop 2.0 cho token PIXEL, đã tạo làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ trong ngành. Cách thức này không chỉ dừng lại ở việc thưởng cho người chơi dựa trên thời gian chơi mà còn khuyến khích sự tham gia có hiệu quả, tập trung vào những người đóng góp tích cực cho hệ sinh thái của game.
Một số tựa game khác như Nyan Heroes hay Nifty Island cũng đã tận dụng P2A, yêu cầu người chơi thực hiện các nhiệm vụ cộng đồng hoặc tương tác xã hội để đủ điều kiện nhận airdrop. Thay vì chỉ tập trung vào “cày” phần thưởng, các game này đặt mục tiêu tạo ra một cộng đồng gắn kết, nơi người chơi vừa tương tác trong game vừa phát triển tài sản NFT. Điều này đã giúp các game như Pixels đạt mức tăng trưởng người chơi đáng kể.
Tuy nhiên, khi mô hình P2A trở nên phổ biến, câu hỏi đặt ra là liệu nó có còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tựa game mới? Khi càng nhiều game áp dụng mô hình này, sự cạnh tranh về người chơi sẽ càng khốc liệt, và P2A có thể trở thành một tính năng “bắt buộc” hơn là điểm nhấn đặc biệt.