banner_1
banner_2
banner_3

Nhận ủy thác gấp nhiều lần tài sản, các công ty quản lý quỹ đang đầu tư vào đâu?

Thống kê 24 công ty Quản lý Quỹ tiêu biểu tại thời điểm ngày 30/09/2024 cho thấy: tổng quy mô...

Thống kê 24 công ty Quản lý Quỹ tiêu biểu tại thời điểm ngày 30/09/2024 cho thấy: tổng quy mô danh mục ủy thác lên đến hơn 550 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 69 lần tổng tài sản. Giá trị ủy thác tương đương 8% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quy mô ủy thác “khủng”

Trong bức tranh quy mô ủy thác toàn thị trường, các công ty Quản lý Quỹ (QLQ) được hậu thuẫn bởi lượng tiền lớn từ các “ông lớn” tài chính – bảo hiểm sở hữu danh mục ủy thác đồ sộ.

Cụ thể, QLQ Bảo Việt (Baoviet Fund) thuộc Tập đoàn Bảo Việt dẫn đầu với quy mô danh mục ủy thác hơn 156 ngàn tỷ đồng, gấp gần 728 lần tổng tài sản. Tiếp đến là những cái tên như QLQ Eastspring Investments (Eastspring Việt Nam) thuộc Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, QLQ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN) thuộc sở hữu của Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam và QLQ Manulife Investment (Việt Nam) (Manulife IM) là công ty con của Manulife (Việt Nam).

Ngoài nhóm kể trên còn có các công ty QLQ nhận ủy thác hàng chục ngàn tỷ đồng từ nước ngoài như KIM Việt Nam hơn 19 ngàn tỷ đồng và VinaCapital hơn 17 ngàn tỷ đồng.

“Dòng chảy” ủy thác hướng về đâu?

Sự khác biệt về dòng vốn ủy thác tạo nên bức tranh danh mục đa sắc ở công ty QLQ. Nhóm có chủ sở hữu là các tập đoàn bảo hiểm hướng đến các tài sản có rủi ro không quá lớn như trái phiếu (một phần đáng kể là trái phiếu Chính phủ), chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi kỳ hạn.

Thống kê cho thấy, DFVN của Dai-ichi có đến 83% danh mục ủy thác là chứng khoán nợ, tiếp đến là 12% vào tiền gửi có kỳ hạn. Cụ thể hơn, DFVN nhận ủy thác từ các quỹ sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm truyền thống, sau đó đầu tư chủ yếu vào chứng khoán nợ, trừ phần nhận ủy thác từ quỹ sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được đầu tư nhiều vào cổ phiếu.

Với Manulife IM, Eastspring Việt Nam và BaoViet Fund, tỷ trọng dành cho chứng khoán nợ lần lượt là 63%, 62% và 59%.

Dù không có gốc bảo hiểm, QLQ Thiên Việt (TVAM) cũng có cơ cấu tài sản quản lý chủ yếu nằm ở tài sản rủi ro thấp như chứng chỉ tiền gửi và gửi kỳ hạn tại ngân hàng.

Trái ngược là các quỹ đầu tư hướng về trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán vốn, các kênh có rủi ro cao hơn.

KIM Việt Nam sử dụng 100% dòng vốn hơn 20 ngàn tỷ đồng từ nước ngoài để đầu tư vào cổ phiếu niêm yết. VinaCapital cũng thông qua dòng vốn ủy thác lớn từ nước ngoài để mua cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu trên sàn UPCoM, còn lại phần không đáng kể dành cho trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi kỳ hạn.

Các công ty có danh mục đầu tư thiên về chứng khoán vốn còn có thể kể đến như VCBF với 82% và SSIAM với 67% danh mục.

Phí quản lý danh mục là trọng tâm gánh lợi nhuận

Quy mô ủy thác gấp nhiều lần tài sản giúp các công ty QLQ mang về nguồn thu lớn từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư, bởi các khoản phí thu về càng cao khi giá trị danh mục càng lớn, bên cạnh các khoản phí thưởng hiệu quả đầu tư.

Ngoài phí quản lý và phí thưởng từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư, các công ty QLQ còn có nguồn thu từ phí quản lý quỹ, phí tư vấn đầu tư, các khoản phí môi giới, phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ… Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp thông thường không quá lớn.

Quý 3/2024 vừa qua, nhiều công ty QLQ tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng trong hoạt động ủy thác.

Nổi bật là TVAM tăng đến 431% doanh thu ủy thác, lên hơn 13 tỷ đồng, chiếm 90% doanh thu. VinaCapital cũng tăng trưởng 28%, lên hơn 53 tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động ủy thác đầu tư của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) tăng lên.

Nhiều quỹ trực tiếp giải trình về việc lợi nhuận quý 3/2024 đột biến nhờ tăng trưởng doanh thu ủy thác có thể kể đến như Manulife IM và DFVN.