NFT Finance (NFTFi) là gì?
NFT Finance là sự kết hợp giữa NFT và Decentralized Finance (DeFi), là một thuật ngữ ám chỉ thị trường tài chính cho NFT. Nếu như token được ứng dụng trong thị trường DeFi thì NFT cũng có những ứng dụng tương tự.
Đặc tính của NFT là tính không thể thay thế, không thể bị chia nhỏ. Mỗi NFT được tạo ra để đại diện cho một vật phẩm cụ thể, chẳng hạn như một tác phẩm nghệ thuật, một chiếc xe, một căn nhà… Đây là những thứ mà token thông thường không thể mã hoá được.
Vì vậy, nếu như NFT được sử dụng trong thị trường DeFi, chúng sẽ mở khoá nhiều tính năng mới hơn do có thể tận dụng được ưu điểm của NFT so với token thông thường. Ví dụ như mua bán trao đổi các tác phẩm nghệ thuật, bất động sản được mã hoá thành NFT.
Tìm hiểu thêm: Toàn tập về NFT trong thị trường Crypto
Lịch sử phát triển của NFT Finance
Sự phát triển của NFT Finance trong thời gian gần đây phải bắt nguồn từ chính nhu cầu của người dùng đối với NFT. Dưới đây là một số giai đoạn nổi bật đánh dấu sự trưởng thành của NFT trong thị trường DeFi:
- Trong những năm 2017: Một số bộ sưu tập NFT đầu tiên đã ra đời như CryptoPunks. Tuy nhiên, cộng đồng lại không chú ý và cũng chỉ nắm giữ chúng trong ví.
- Cho đến năm 2018-2019: Các dự án về NFT Collection hoặc các Dapp ứng dụng NFT bắt đầu ra đời nhiều hơn. Điều này tạo nên các hoạt động mua bán NFT đầu tiên và cũng là tiền đề cho thị trường NFT Finance.
- Năm 2020-2022: NFT được ứng dụng rộng rãi khi xu hướng Web3 Game và Metaverse phát triển mạnh. Lúc này hàng loạt các dự án liên quan đến NFT Finance cũng ra đời và hoạt động trong nhiều mảng khác nhau như giao dịch, thế chấp & cho vay…
- Năm 2023: Các hoạt động tài chính của NFT đã tạo thành thị trường sôi động với khái niệm NFT Finance nhưng vẫn đang ở giai đoạn cơ bản (còn nhiều vấn đề) so với những cải tiến mà DeFi đã đạt được.
Trong tương lai, NFT Finance sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa khi ngày càng có nhiều dự án ra đời tạo nên sự cạnh tranh và thúc đẩy nhau phát triển.
Hiện tại thị trường NFT Finance vẫn còn gặp phải các vấn đề như thanh khoản thấp, độ biếm động giá cao và đó chính là thử thách dành cho các dự án để giải quyết vấn đề này.
Ưu và nhược điểm của NFT Finance
Ưu điểm của NFT Finance
Dưới đây là một số ưu điểm tiềm năng của NFT Finance:
- Mở khoá nguồn vốn: NFT Finance cho phép các NFT holder đang cần tiền có thể thế chấp để vay mà không cần bán đi tài sản họ đang sở hữu.
- Mã hoá Real World Assets: NFT Finance chính là thị trường để các Real World Assets (Tài sản của thế giới thực) từ thế giới thực được mã hoá thành các NFT sau đó sử dụng trong thị trường Web3.
- Tăng thanh khoản cho thị trường DeFi: Thanh khoản thị trường DeFi đã tăng rất mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên, tất cả giá trị được ghi nhận chỉ là cryptocurrency. NFT Finance là động lực để các tài sản có giá trị ngoài đời thực được mã hoá và ghi nhận giá trị On-chain.
- Thu hút người dùng từ Web2: Việc mã hoá các tài sản thực và tạo ra tính ứng dụng cho các tài sản đó là động lực để người dùng không biết đến thị trường crypto vẫn có thể sử dụng Dapp dành cho NFT.
- Sự phát triển của NFT Finance sẽ tạo động lực phát triển cho toàn bộ thị trường DeFi nói chung vì các tài sản từ thế giới thực sẽ giúp thị trường có thêm nhiều dự án mới ở các mảng mới.
Đọc thêm: Real World Assets là gì?
Nhược điểm của NFT Finance
Bên cạnh những ưu điểm, NFT Finance cũng có một số nhược điểm sau:
- Thanh khoản thấp: Thị trường NFT nói chung có ít người mua bán hơn thị trường DeFi, điều này khiến thanh khoản của thị trường thấp, nhất là đối với các bộ sưu tập NFT chưa nổi tiếng.
- Biến động giá: Khi thị trường có thanh khoản thấp, bất kỳ lệnh mua bán nào cũng sẽ tạo nên biến động giá cao đối với các bộ sưu tập chưa nổi tiếng và có ít holder.
- Phức tạp: Mô hình hoạt động của các dự án NFT Finance sẽ có phần phức tạp hơn với developer và cả người dùng vì tài sản chúng sử dụng là các NFT có tính độc nhất. Vì vậy, mô hình hoạt động của NFT AMM, NFT Fractionalization, NFT Lending cũng sẽ khác với các dự án DeFi dành cho token.
- Có một số hạn chế so với token: Ví dụ như token ETH vừa được sử dụng để thế chấp, vừa cho phép cộng đồng vay. Tuy nhiên, đối với các NFT thì mới chỉ được dùng để thế chấp vay ETH mà chưa thể vay một NFT như token.
Trong tất cả những yếu tố trên, thanh khoản thấp và độ biến động giá cao chính là rào cản lớn nhất khiến cho thị trường NFT Finance chỉ có những tay chơi nhỏ mà thiếu sự tham gia của các quỹ đầu tư hay các tổ chức từ truyền thống.
NFT Finance trong NFT Stack
NFT Finance (NFTFi) không phải là một mảng hoàn toàn mới, mà nó là sự kết hợp của tất cả các mảng NFT có liên quan đến tài chính, và chúng đều nằm trong NFT Stack (Các lớp trong thị trường NFT).
NFT Stack bao gồm 5 nhóm ngành lần lượt là:
- Blockchain Platform & Scaling Solution (Ô xám): Nền tảng cho phép các chuẩn NFT ERC-721 được tạo thành trên blockchain hoặc các giải pháp mở rộng Layer 2.
- Infrastructure (Ô vàng): Đây là nhóm các dự án cơ sở hạ tầng cho phép các dự án và developer sử dụng để xây dựng dự án.
- NFT Tokenization (Ô đỏ): Đây là nhóm các dự án mã hoá NFT từ các dạng tài sản khác nhau như hình ảnh, âm thanh, bài viết, giấy chứng nhận cho đến tài sản khác như nhà, ô tô…
- Application (Ô xanh biển): Đây là các dự án ứng dụng NFT để tạo ra hoạt động tài chính, đây cũng là nhóm các dự án NFT Finance.
- Portfolio Management & Interface (Ô cam): Đây là nhóm các dự án giao diện để quản lý tài sản hoặc phân tích dữ liệu liên quan đến NFT.
Như vậy, để tìm hiểu về các mảng trong NFT Finance, các bạn cần chú ý vào nhóm các ô màu xanh lá.
Tìm hiểu thêm: NFT-Fi | Xu hướng mới của thị trường DeFi.
Ứng dụng và các nhóm dự án trong NFT Finance
Thị trường NFT Finance bao gồm 8 nhóm dự án và các dự án nổi bật sau:
- NFT Marketplace là các dự án cho phép mua bán NFT theo cơ chế đặt lệnh và chờ lệnh được khớp khi thị trường có nhu cầu. Dự án nổi bật: Opensea, X2Y2, LooksRare, TofuNFT, Rarible…
- NFT AMM là các dự án cho phép mua bán NFT theo cơ chế AMM. Dự án nổi bật: Sudoswap, Hadeswap…
- NFT Lending là các dự án cho phép thế chấp NFT để vay cryptocurrency, hạn chế của NFT Lending là người dùng chỉ có thể thế chấp NFT 1 chiều mà chưa thể vay NFT do đặc tính của chúng. Dự án nổi bật: BendDAO, NFTFi,…
- NFT Liquidity Management là các dự án quản lý thanh khoản dựa trên NFT hoặc sử dụng NFT để quản lý thanh khoản như Uniswap v3. Dự án nổi bật: Visor Finance…
- NFT Fractionalization là các dự án chia nhỏ 1 NFT thành nhiều phần khác nhau cho phép cộng đồng sử dụng, đầu tư chung. Dự án nổi bật: Fractional.art.
- NFT Aggregator là các dự án tổng hợp giá hoặc lãi suất ở nhiều sàn giao dịch khác nhau, cho phép NFT holder có thể tối ưu hoá lợi nhuận khi thế chấp hoặc mua bán NFT.
- NFT Launchpad là các bệ phóng cho phép các nhà phát triển hoặc studio có thể phát hành NFT ra cộng đồng. Dự án nổi bật: MagicEden, AirNFTs, NFTB…
- NFT Perpetual là các dự án cho phép giao dịch NFT phái sinh. Dự án nổi bật: NFTPerp…
Trong tương lai, thị trường NFT Finance có thể ra mắt nhiều dự án hơn và kết hợp giữa nhiều mảng với nhau.
Ví dụ: Thông thường, bảo hiểm trong DeFi chỉ hoạt động trong phạm vi các DeFi Protocol nhằm bảo vệ người dùng khỏi những thất thoát hoặc rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể mua các loại bảo hiểm liên quan đến con người vì không thể xác thực danh tính.
Vì vậy, nếu như mảng bảo hiểm mà có thể áp dụng việc xác thực danh tính con người và ghi nhận các dữ liệu độc nhất đó trên NFT thì thị trường có thể ra mắt mảng bảo hiểm dành cho con người và đó cũng là sự kết hợp mang tính NFT Finance.