Khái niệm cơ bản về quỹ mở
Định nghĩa quỹ mở
- Quỹ mở được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư
- Được quản lí chuyên nghiệp bởi một Công ty Quản lý Quỹ.
- Quỹ “mở” về mặt thời hạn và số lượng các nhà đầu tư tham gia.
- Cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ theo Giá trị Tài sản ròng (NAV) vào bất kì ngày giao dịch nào của quỹ.
ETF (Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu. Đây được xem là một cách đầu tư chứng khoán thụ động.
Quy trình hoạt động của quỹ mở
Như vậy, đầu tư vào quỹ mở là hình thức đầu tư chứng khoán gián tiếp. Thay vì nhà đầu tư tự đầu tư chứng khoán trực tiếp thì họ đầu tư tiền vào quỹ mở. Quỹ mở có các chuyên gia đầu tư kinh nghiệm sẽ đầu tư tiền của quỹ vào cổ phiếu, trái phiếu. Nếu đầu tư vào các công ty thì nhà đầu tư sẽ nhận được cổ phiếu, còn đầu tư vào quỹ mở thì sẽ nhận được chứng chỉ quỹ.
Công ty Quản lý Quỹ luôn chọn các loại cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị thực và/ hoặc có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn để đầu tư. Khi giá trị tài sản của quỹ tăng lên tức là giá trị chứng chỉ quỹ tăng lên và nhà đầu tư có lợi nhuận.
Do đó, quỹ mở luôn có thể đem lại lợi nhuận cao cho bạn trong dài hạn.
Phân biệt quỹ đóng và quỹ mở
Quỹ đóng và quỹ mở là hai loại hình quỹ đầu tư được phát hành bởi công ty quản lý quỹ. Thông tin về hoạt động của quỹ được minh bạch, báo cáo định kỳ thường xuyên.
Danh mục đầu tư của quỹ đa dạng gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, bất động sản… Tỷ trọng từng loại tài sản trong danh mục được quyết định bởi các chuyên gia, nhờ đó nhà đầu tư tham gia quỹ có thể tiết kiệm thời gian và công sức phân tích thị trường.
Quỹ đóng, theo Luật Chứng khoán, là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ không được bán lại cho công ty quản lý quỹ, nhưng việc giao dịch có thể thực hiện trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư. Bị giới hạn về quy mô, thời gian và tính thanh khoản nhưng ưu thế của quỹ đóng là nguồn vốn ổn định nên công ty quản lý quỹ có thể tập trung cho những tài sản dài hạn, tỷ suất sinh lời cao.
Ngược lại, quỹ mở là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian hoạt động, quy mô vốn của quỹ mở không bị giới hạn như quỹ đóng mà phụ thuộc vào tình hình hoạt động và khả năng huy động vốn của công ty quản lý quỹ. Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định bằng chênh lệnh giữa giá mua và bán.
Người nắm giữ chứng chỉ quỹ mở có thể dừng đầu tư bất cứ lúc nào, chuyển chứng chỉ quỹ thành tiền mặt, nếu thấy rủi ro hoặc vì lý do khác. Việc mua bán có thể thực hiện ở nhiều nơi như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng, đại lý phân phối được chỉ định.
Khác biệt về tính thanh khoản là nguyên nhân cơ bản khiến số lượng quỹ mở áp đảo hoàn toàn so với quỹ đóng. Theo dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021 có 35 quỹ mở và 1 quỹ đóng đang hoạt động.
Quỹ mở phù hợp với ai?
Quỹ mở phù hợp với các nhà đầu tư sau:
- Nhà đầu tư chưa có đủ kiến thức chuyên sâu về tài chính, đầu tư
- Nhà đầu tư bận rộn, không có thời gian theo dõi thị trường hàng ngày
- Nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài
- Nhà đầu tư muốn có tính kỷ luật và tính tiện lợi
- Nhà đầu tư muốn đa dạng hóa trong đầu tư
Quỹ mở trên thế giới: Quỹ mở là một hình thức đầu tư mới ở Việt Nam nhưng đã có mặt ở các thị trường khác nhiều năm. Ở Mỹ, gần một nửa số hộ gia đình có đầu tư vào các quỹ mở.
Ưu và nhược điểm của quỹ ETF?
Bên cạnh những ưu điểm của quỹ ETF, nhà đầu tư cũng nên xem xét mặt hạn chế của sản phẩm tài chính này để có lựa chọn đúng đắn.
ETF góp phần đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán, cũng như cung cấp thêm công cụ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ sản phẩm tài chính khác, ETF có thể tồn tại một số hạn chế và rủi ro nhất định cần chú ý.
Ưu điểm
Hiệu quả chi phí
Một trong những lợi ích chính của ETF là tính hiệu quả về mặt chi phí. Quỹ được quản lý theo kiểu thụ động nên chi phí quản lý thấp hơn so với các quỹ quản lý chủ động. Nhà đầu tư không phải mua/bán cổ phiếu thường xuyên, nên sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí hiệu quả trong quá trình giao dịch chứng khoán. Hơn nữa, phí giao dịch không đáng kể, thấp hơn phí đầu tư rất nhiều.
Đa dạng hóa
Một quỹ ETF thường đầu tư vào nhiều cổ phiếu theo chỉ số, ví dụ VN30. ETF cho phép nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư, giúp bảo vệ danh mục đầu tư trước biến động của thị trường. Mua ETF là lựa chọn an toàn cho người mới bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán, không đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu về từng cổ phiếu cụ thể.
Thuận tiện và minh bạch
ETF cũng cung cấp các lợi ích như đầu tư vào cổ phiếu. Nhà đầu tư có quyền truy cập vào tất cả các tính năng có sẵn, bao gồm lệnh mua/bán, giao dịch ký quỹ, lệnh cắt lỗ, lệnh giới hạn… Mọi khoản nắm giữ của quỹ được công khai mỗi ngày. Điều này giúp nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ danh mục của mình.
Ngoài ra, việc đầu tư vào một rổ chứng khoán (đầu tư theo chỉ số) cũng hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng.
Linh hoạt
Giống như đầu tư cổ phiếu, quỹ ETF cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua và bán vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, chỉ thực sự kết thúc khi thị trường đóng cửa. Có nhiều tùy chọn cho phép nhà đầu tư tham gia thị trường với lệnh thị trường hoặc lệnh giới hạn (market order, limit order).
Thu hút vốn ngoại
ETF là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông qua quỹ ETF, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ gián tiếp sở hữu những cổ phiếu đã đạt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa mà họ không thể mua được trực tiếp.
Hạn chế
Không khớp với chỉ mục
Nhà đầu tư vẫn phải trả phí quản lý ETF, khiến lợi tức đầu tư của họ sẽ không bao giờ khớp chính xác với chỉ số mà ETF mô phỏng. Giá mua và bán cổ phiếu của nhà đầu tư trong quỹ cũng có thể thay đổi so với giá trị tài sản ròng của chỉ số cơ sở, làm giảm lợi tức. Vì vậy, nhà đầu tư cần đánh giá chi phí phải trả trước khi mở vị thế ETFs.
Thanh khoản kém
Một số quỹ ETF mỏng có sự chênh lệch giá mua/bán khá cao, kéo chi phí giao dịch tăng theo. Cổ phiếu do các công ty nhỏ phát hành cũng có thể được coi là thị trường mỏng và nó có tính thanh khoản thấp.
Lợi tức thấp hơn tự đầu tư cổ phiếu
Mức lãi từ cổ tức có thể thấp hơn nếu mua các cổ phiếu riêng lẻ, do đây là trung bình mức cổ tức của tất cả các công ty trong rổ ETF.
Rủi ro biến động
Bất chấp sự đa dạng hóa mà một quỹ ETF cung cấp, khoản đầu tư vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến động trên thị trường và thua lỗ trong thị trường giá xuống. Rủi ro này có thể tăng lên cùng với sự chuyên môn hóa của ETF – quỹ tập trung vào một thị trường ngách nhỏ có khả năng biến động mạnh hơn so với một quỹ lớn hơn, rộng hơn.
Chênh lệch giá
Tuy rằng các quỹ hoán đổi danh mục ETF luôn cố gắng theo sát giá của những tài sản cơ sở, nhưng việc chênh lệch giá vẫn có thể xảy ra. Danh mục đầu tư của quỹ ETF có thể sai lệch so với danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số tham chiếu (vì những lý do khác nhau như kỹ thuật mô phỏng chỉ số, biến động giá của các chứng khoán trong danh mục). Điều này khiến cho mức sinh lời của quỹ chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) so với mức sinh lời của chỉ số tham chiếu. Đối với nhà đầu tư vào quỹ ETF, sai lệch so với chỉ số tham chiếu (tracking error) này là một yếu tố rủi ro tiềm ẩn.