Đầu tư chứng khoán là một hình thức kinh doanh có rủi ro. Và như Warren Buffett đã từng nói: “Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là suy nghĩ”, trước khi quyết định bỏ tiền vào mã cổ phiếu nào đó, chúng ta phải kiểm soát rủi ro bằng việc đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tốt thì dù có hứng chịu bao nhiêu đợt sóng hay rung lắc của thị trường vẫn mạnh mẽ hồi phục và tăng trưởng, còn doanh nghiệp yếu kém không sớm thì muộn sẽ làm tiêu tan túi tiền của nhà đầu tư. Video ngày hôm nay, YSedu sẽ mách nước bạn những loại hình doanh nghiệp mà bạn cần cẩn trọng cân nhắc trước khi đầu tư. Còn chần chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Doanh nghiệp hoạt động đa ngành
Chắc hẳn một số nhà đầu tư rất ngạc nhiên thắc mắc tại sao lại cần cẩn trọng với doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa ngành thì có gì không tốt? Thực chất, đa ngành không phải là tốt hay không tốt, mà là khả năng quản trị khi mở rộng sang lĩnh vực mới như thế nào. Nếu doanh nghiệp dồn số tiền quá lớn, gần như toàn bộ số tiền của doanh nghiệp, hay thậm chí đi vay tiền bên ngoài để mở rộng kinh doanh đa ngành là vô cùng rủi ro. Đơn cử là trường hợp của tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Evergrande. Tập đoàn này đã mở rộng không ngừng với phương châm “công nghệ kỹ thuật số và đa ngành”, hoạt động kinh doanh của Evergrande trải dài trên khắp các lĩnh vực: xe điện, thực phẩm, truyền thông, âm nhạc,…song chính vì khả năng quản trị rủi ro không tốt đã biến Evergrande từ niềm tự hào quốc gia trở thành quả bom nổ chậm, rơi vào cảnh nợ nần chống chất, mất khả năng chi trả. Ngay ở nước ta, thực tế có những doanh nghiệp cũng nhận ra rằng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là sự lựa chọn khôn ngoan thay vì phát triển đa ngành. Suốt một quãng thời gian dài, PNJ đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác: ngân hàng, bất động sản nhưng những khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận không mấy khả quan và dần trở thành gánh nặng cho PNJ. Bởi vậy, doanh nghiệp này dần thoái vốn khỏi những mảng này, tập trung tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là trang sức vàng bạc và xây dựng lợi thế cạnh tranh vượt bậc so với đối thủ, bởi vậy doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh. Tính đến năm 2015, PNJ đã đạt thị phần 25% và cổ phiếu cũng liên tục tăng trưởng.
Doanh nghiệp không thích ứng được với sự biến đổi của thị trường
Trong một xã hội với những chuyển động kinh tế không ngừng như ngày nay, doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới, thay đổi tư duy và cách làm để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với những điều kiện mới. Nếu doanh nghiệp không linh hoạt ứng biến thì sẽ nhanh chóng bị đào thải và khó lòng tồn tại. Ví dụ như trường hợp của hãng taxi Vinasun. Sau khi xuất hiện Grab, Uber, Vinasun dần đánh mất thị phần dù trong quá khứ từng là ông vua trong mảng taxi. Việc sử dụng công nghệ đã loại Vinasun khỏi ngai vàng và doanh nghiệp này rơi vào trạng thái trượt dài với kết quả kinh doanh thua lỗ. Hay như câu chuyện về gã khổng lồ Nokia đã thất bại trước Samsung khi họ tự mãn và không xem điện thoại cảm hứng là xu hướng. Hoặc trường hợp Fujifilm, Kodak là 2 hãng máy ảnh bị xóa sổ vì sự khinh thường không bắt kịp xu hướng sử dụng máy ảnh kỹ thuật số . Lối tư duy cổ hủ, không chịu thay đổi tư duy để thích nghi với thời đại chính là nguyên nhân khiến cho danh tiếng hãng này sụt giảm nghiêm trọng và khiến cho tình hình kinh doanh lao dốc.
Doanh nghiệp có sự bất thường trong bản báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là một công cụ quan trọng để loại bỏ những doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư phải đọc thật kỹ Báo cáo tài chính trước khi đầu tư, tránh để rơi vào tỉnh cảnh tiền mất tật mang. Một ví dụ điển hình để bạn hiểu rõ hơn, đó là công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông, mã cổ phiếu DVD. Dược Viễn Đông được xem là trường hợp đầu tiên bị truy tố hình sự về hành vi phạm tội trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu ai để ý kỹ vào Báo cáo tài chính thì sẽ nhận ra rất nhiều điểm đáng ngờ: vốn chủ sở hữu tăng vọt trước niêm yết trong khi dòng tiền kinh doanh của công ty âm nghiêm trọng, hay là doanh thu tăng vọt 50% mặc dù thuộc lĩnh vực dược phẩm cấp thấp, thậm chí thuê gia công và không hề có nhà máy,…Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến, sau khi cổ phiếu tăng gần gấp 3 lần, CEO Lê Văn Dũng bị bắt tạm giam vì tội danh làm giả sổ sách và thao túng giá. Đây là một bài học nhắc nhở nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo, thận trọng trước khi đầu tư, đừng mang đồng tiền quý giá mình vất vả làm ra đem đi cống nạp cho những doanh nghiệp làm ăn bất chính.
Doanh nghiệp liên tục phát hành pha loãng cổ phiếu
Một lý do mà doanh nghiệp lựa chọn phát hành thêm cổ phiếu thay vì chi trả cổ tức tiền mặt bởi vì doanh nghiệp cần tiền. Doanh nghiệp cần tiền có thể vì dùng tiền lợi nhuận để đem đi tái đầu tư, mở rộng mặt bằng, phát triển sản phẩm mới, nhưng cũng có thể vì doanh nghiệp đang gặp khó khi trả các khoản nợ đến hạn,…Tuy nhiên, nếu thường xuyên thực hiện phát hành thêm cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông: pha loãng giá, gia tăng số lượng cổ phiếu lưu hành pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phần, và làm giảm giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần. Vậy nên việc phát hành liên tục theo cấp số nhân sẽ để lại câu hỏi là liệu doanh nghiệp có đủ tăng trưởng bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phần do việc phát hành gây ra hay không? YSedu cho rằng là không, đặc biệt là nếu tỷ lệ tăng trưởng tạo ra không tương xứng với tỷ lệ pha loãng, trừ khi bạn chắc chắn rằng chủ doanh nghiệp có thể kinh doanh hiệu quả tạo ra lợi nhuận nhiều hơn với những đồng vốn huy động thêm.
Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi, bạn sẽ tích lũy thêm được nhiều kiến thức để nâng cao hiệu quả cho việc đầu tư.