Ở ETF, bán khống giúp cho quỹ hoạt động hiệu quả và cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Nếu vì một lý do nào đó người vay không trả được đơn vị quỹ, ETF sẽ gán nợ bằng tài sản thế chấp.
Hoạt động bán khống chưa được cho phép tại Việt Nam, tuy nhiên cơ quan quản lý có thể nghiên cứu và cho phép thử nghiệm thực hiện bán khống với riêng ETF để giúp cho quỹ hoạt động hiệu quả và cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang được kỳ vọng như một giải pháp thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. ETF được cho là mang nhiều ưu điểm của cả quỹ đóng lẫn quỹ mở: đa dạng hóa danh mục, giao dịch liên tục như cổ phiếu, giá trị của N.A.V trên đơn vị quỹ không bị chênh lệch, chi phí quản lý thấp. Tuy nhiên việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cho phép bán khống có thể ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của ETF.
Trên thị trường chứng khoán, hoạt động bán khống xảy ra khi nhà đầu tư kỳ vọng giá giảm, nó hoàn toàn ngược lại với mua và kỳ vọng giá lên. Tức là, nếu như đối với hoạt động mua thì nhà đầu tư kỳ vọng mua rẻ bán đắt (buy low, sell high), còn bán khống thì nhà đầu tư kỳ vọng bán đắt mua rẻ (sell high, buy low).
Việc Vn-Index rời từ 450 xuống dưới 400 là một điều kiện lý tưởng cho nhà đầu tư kiếm lợi nhuận. Đối với bất kể chứng khoán nào, bán khống luôn có thể xảy ra. Điều này cũng hoàn toàn có thể xảy ra với các đơn vị quỹ ETF. Nhà đầu tư cá nhân có thể thỏa thuận với thành viên lập quỹ, nhà đầu tư khác để mượn đơn vị quỹ để bán khống.
Khác với bán khống thỏa thuận nói chung là rất khó kiểm soát, cơ chế mượn quỹ ETF để bán khống lại có thể kiếm soát và rất ít rủi ro.
Công ty quản lý quỹ có thể cho vay bằng chứng khoán cơ cấu hoặc bằng chính đơn vị quỹ ETF. Phần lớn các ETF hiện nay đều cho vay đơn vị quỹ.
Nhà đầu tư khi có nhu cầu bán khống sẽ mượn đơn vị quỹ của công ty quản lý quỹ. Để đảm bảo an toàn, nhà đầu tư phải thế chấp từ 100-105% giá trị của đơn vị quỹ bằng tiền mặt, trái phiếu Chính phủ hoặc thư tín dụng. Điều này làm nên sự khác biệt với hoạt động bán khống thông thường vì khả năng thu hồi ở bán khống nhiều khi phụ thuộc vào năng lực tài chính của người vay chứng khoán. Trong nhiều trường hợp, khi chứng khoán tăng giá, người vay chứng khoán mất khả năng trả nợ sẽ khiến cho tổ chức cho vay bị thiệt hại.
Việc có tài sản bằng các tài sản thanh khoản làm cho bán khống ETF an toàn và ít rủi ro hơn rất nhiều. Nếu vì một lý do nào đó người vay ko trả được đơn vị quỹ, ETF sẽ gán nợ bằng tài sản thế chấp. ETF có thể sử dụng tiền hoặc tài sản thế chấp để kiếm lời trên thị trường tiền tệ. Lãi này sẽ được chia cho người mượn đơn vị quỹ dựa trên điều khoản cho hợp đồng.
Lấy ví dụ về ETF iShares S&P 500 đã cho mượn 428 triệu USD giá trị đơn vị quỹ (chiếm 1.6% danh mục) và nắm giữ 437 triệu USD tài sản thế chấp. Nhờ vào cho vay đơn vị quỹ, ETF ghi nhận 1.7 triệu USD tiền phí thu từ hoạt động này. Việc cho mượn đơn vị quỹ giúp cho ETF tạo được một nguồn thu nhập tương đối để bù đắp các loại chi phí và cũng làm tăng hiệu quả hoạt động. Giá của đơn vị quỹ lúc này sẽ phản ánh chính xác hơn chỉ số tham chiếu vì giảm được ảnh hưởng bóp méo của các chi phí.
Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu vẫn còn e ngại rằng, việc bán khống gây ảnh hưởng đến các giao dịch hoán đổi khi nhà đầu tư, thành viên lập quỹ đặt các lệnh này. Lo nghĩ này là đúng về mặt lý thuyết nhưng không thực tế vì hầu như rất ít quỹ cho mượn đơn vị quỹ nhiều hơn số lượng nắm giữ. Các ETF rất có ý thức trong việc cho mượn đơn vị quỹ và hầu như không quỹ nào tại Mỹ cho mượn tới 1/3 giá trị danh mặc dù luật pháp cho phép.
Mặc dù hoạt động bán khống chưa được cho phép tại Việt Nam, tuy nhiên cơ quan quản lý hoàn toàn có thể nghiên cứu và cho phép thử nghiệm thực hiện bán khống với riêng ETF để giúp cho quỹ hoạt động hiệu quả và cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.