banner_1
banner_2
banner_3

Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần không? Thủ tục thế nào?

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần là phương án được nhiều người lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, việc rút...

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần là phương án được nhiều người lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, việc rút BHXH 1 lần có thực sự mang lại lợi ích kinh tế, có lợi cho người lao động hay không? Cùng cập nhật về chế độ rút bảo hiểm xã hội và những quy định mới nhất của pháp luật về vấn đề này.

Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần

Bảo hiểm xã hội có 2 hình thức chính: Tự nguyện và bắt buộc. Mỗi hình thức sẽ có cách tính BHXH 1 lần khác nhau. Người lao động cần nắm rõ cách tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần để đảm bảo quyền lợi của mình.

cach-tinh-tien-bao-hiem-xa-hoi-1-lan

Đối với người tham gia bắt buộc

Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ có 3 trường hợp để xác định số tiền BHXH 1 lần nhận được:

  • Người lao động đóng chưa được 1 năm, mức hưởng chế độ BHXH 1 lần sẽ bằng 22% mức tiền lương đã đóng BHXH. Mức tối đa nhận được là 2 tháng lương bình quân đóng BHXH.
  • Trường hợp đóng trên 1 năm BHXH bắt buộc sẽ dựa vào số năm người lao động đã đóng để xác định, số tiền mỗi năm được tính như sau:
    • Đối với những năm đóng trước năm 2014: số tiền nhận được sẽ là 1.5 tháng mức bình quân đóng BHXH.
    • Từ năm 2014 trở đi: số tiền nhận được sẽ là 2 tháng mức bình quân đóng BHXH.
  • Với trường hợp quân nhân, học viên sĩ quan, người làm công tác cơ yếu… chưa đóng đủ 1 năm thì mức nhận được sẽ bằng số tiền đã đóng và tối đa là 2 tháng mức bình quân đã đóng BHXH.

Với người tham gia tự nguyện

Với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì cách tính số tiền BHXH 1 lần sẽ tính theo số năm đã đóng:

  • Những năm đóng trước năm 2014, số tiền sẽ được xác định bằng 1.5 tháng mức bình quân đã tham gia đóng BHXH.
  • Những năm đóng sau năm 2014, số tiền sẽ bằng 2 tháng bình quân mức bình quân đã tham gia đóng BHXH.

Với trường hợp người tham gia tự nguyện đóng chưa đến 1 năm, thì số tiền nhận được sẽ là số tiền đã đóng, tối đa 2 tháng mức bình quân đã tham gia đóng BHXH.

Công thức tính BHXH 1 lần

Mức hưởng = (1,5 x Mức bình quân đã tham gia đóng x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2x Mức bình quân đã tham gia đóng x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)

Trong đó: 

  • Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = Số tháng tham gia BHXH * Tiền lương đóng BHXH hàng tháng * Mức điều chỉnh/ Tổng số tháng tham gia BHXH.
  • Mức điều chỉnh được quy định tại Điều 2 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH theo từng năm.

Ví dụ: Chị A tham gia bảo hiểm từ tháng 7/2013, đến tháng 10/2015. Trong đó, lương từ 7/2013 đến tháng 7/2014 là 4.5 triệu, từ 7/2014 đến 10/2015 là 5.5 triệu.

Tổng thời gian tham gia BHXH của chị A là 2 năm 3 tháng, thì số tiền bảo hiểm xã hội 1 lần nhận được sẽ là:

Mức lương bình quân = [(5*4.5*1.25) + (7*4.5*1.2) + (5*5.5*1.2) + (10*5.5*1.19) / 27= 6.09 triệu đồng/tháng.

Mức BHXH 1 lần nhận = (1.5*1+2*1.5)*6.09=27.405 triệu

tinh-bhxh-1-lan

Lưu ý về thời gian đóng bảo hiểm

Khi tính bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động cần lưu ý: 

  • Trường hợp tính thời gian tham gia BHXH xuất hiện tháng lẻ: Nếu số tháng lẻ từ 1 – 6 tháng thì thời gian đóng tính là nửa năm, Nếu từ 7 – 11 tháng thì tính sẽ là 1 năm.
  • Nếu thời gian đóng BHXH có cả trước và sau mốc thời điểm là ngày 01/01/2014 và có tháng lẻ, thì những tháng lẻ trước ngày 01/01/2014 sẽ được chuyển sang giai đoạn sau ngày 01/01/2014 để tính BHXH 1 lần.

Các trường hợp được nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

Bảo hiểm xã hội 1 lần là chính sách khá linh hoạt của nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh. Vậy theo quy định nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, những trường hợp nào để được hưởng chế độ khi đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu?

  • Người lao động đủ tuổi nhận lương hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm theo quy định. Riêng với lao động nữ chuyên trách hoặc không chuyên trách thì chưa đóng đủ 15 năm và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
  • Người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH và chưa đóng đủ 20 năm.
  • Người tham gia BHXH ra nước ngoài định cư, sinh sống.
  • Người lao động mắc một số căn bệnh nguy hiểm tính mạnh: U xơ, ung thư, HIV/ AIDS, lao, phong… theo quy định của Bộ Y tế.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, học viên quân đội, công an, trong các trường hợp xuất ngũ, phục viên, thôi việc… nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH.

Quy định nhận bảo hiểm xã hội 1 lần

Thực trạng hiện nay, khá nhiều người người lao động quyết định rút BHXH 1 lần nhưng lại chưa hiểu rõ về các quy định của pháp luật về vấn đề này. Vậy thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần gồm những gì? Thời gian nhận tiền BHXH 1 lần ra sao?

quy-dinh-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan

Hồ sơ thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần 

Để được nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ cơ bản sau: 

  • Sổ bảo hiểm xã hội và các tờ rời (Bản gốc).
  • Đơn đề nghị rút bảo hiểm xã hội 1 lần, theo mẫu Mẫu số 14 – HSB (Bản gốc).
  • Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (Bản gốc và phô tô để đối chiếu).
  • Sổ hộ khẩu hoặc tạm trú (Bản gốc để đối chiếu).
  • Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền do phòng công chứng thực hiện theo quy định (Trường hợp ủy quyền người khác lấy hộ).

Ngoài các giấy tờ trên, tùy từng trường hợp mà hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội 1 lần có thể bổ sung thêm: 

  • Trường hợp người lao động đi định cư ở nước ngoài: Giấy tờ định cư nước ngoài.
  • Trường hợp người lao động mắc các bệnh lý theo quy định: Giấy khám bệnh do cơ quan chức năng cấp.
  • Trường hợp người tham gia BHXH bị tai nạn mất sức lao động: Xác nhận suy giảm sức khỏe lao động trên 81%.

Trình tự nộp hồ sơ hệ thống bảo hiểm xã hội 1 lần:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ. Người lao động có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH tại địa phương hoặc nộp qua bưu điện.
  • Bước 2: Cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
  • Bước 3: Trả kết quả, bổ sung thêm giấy tờ nếu thiếu.

Thời gian nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần 

Thời gian nhận bảo hiểm xã hội 1 lần được quy định tại Điều 7 Quyết định 166/QĐ-BHXH: Tối đa 10 ngày, kể từ khi cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp, hồ sơ không được giải quyết, cơ quan BHXH có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do với người lao động.

nhan-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-o-dau

Lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần ở đâu?

Hồ sơ được xét duyệt, người lao động có thể nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần ở đâu? Đây là thắc mắc của không ít người tham gia khi tất toán bảo hiểm xã hội 1 lần và đang trong quá trình chờ đợi được xử lý.

Căn cứ theo: Điểm 1.1.3, khoản 1, Điều 2 Quyết định 166/QĐ-BHXH, người lao động có thể nhận tiền trợ cấp BHXH 1 lần tại: 

  • Trực tiếp tại cơ quan BHXH huyện nơi sinh sống.
  • Cơ quan bảo hiểm xã hội Huyện lập danh sách chi trả BHXH 1 lần. Sau đó số tiền sẽ chuyển cho bưu điện Huyện chi trả trực tiếp cho người lao động.
  • Qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Ngoài ra, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận hộ các chế độ BHXH thông qua hợp đồng ủy quyền theo mẫu quy định.

Người lao động có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay không? 

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần đang là lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn có nên rút BHXH 1 lần hay không? Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần có lợi hay bất lợi cho người lao động về sau này như thế nào?

co-nen-nhan-bao-hiem-xa-hoi-1-lan

Có thể thấy, việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ mang lại cho người tham gia cái lợi trước mắt, có 1 số tiền lớn để trang trải nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên về lâu dài, nhận BHXH 1 lần sẽ là thiệt thòi lớn cho người lao động. Bởi:

  • Người lao động sẽ không được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm do số tiền BHXH 1 lần sẽ được tính dựa trên thời gian đóng mới gần nhất. Với những người đóng gián đoạn, không liên tục, rút BHXH 1 lần sẽ mất đi khoản tiền của các giai đoạn đóng trước đó. Đây là một thiệt thòi lớn cho người quyết định nhận trợ cấp BHXH 1 lần.
  • Người lao động nhận bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ mất đi cơ hội được nhận lương hưu, mất đi nguồn thu nhập trong tương lai khi không còn sức lao động. Hơn nữa, trong tương lai, khi khi lạm phát, chi phí tiêu dùng tăng, mức lương hưu sẽ được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo người lao động có cuộc sống ổn định. Nếu rút BHXH 1 lần, người lao động sẽ không có nguồn hỗ trợ lương hưu hàng tháng, rủi ro tài chính về sau này.
  • Người lao động nhận bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ mất đi quyền lợi được chi trả chi phí BHYT.
  • Trường hợp người lao động mất đi, thân nhân NLĐ được hưởng các khoản trợ cấp mai táng và tử tuất. Nếu tất toán bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động sẽ mất đi các quyền lợi đi kèm lương hưu này.

Trên đây là các thông tin về chính sách rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Có thể nói, chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần cho phép người lao động linh hoạt lựa chọn giải pháp tài chính phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, rút bảo hiểm xã hội 1 lần sớm, có nghĩa là bạn đã tách bản thân ra khỏi chính sách an sinh xã hội, mất đi nhiều quyền lợi và lợi ích trong tương lai. Về lâu dài rút BHXH 1 lần sẽ không có lợi cho người lao động. Vì thế, người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có nên rút bảo hiểm 1 lần hay không.