Đã bao giờ bạn phân vân khi nhìn vào chỉ số P/E của doanh nghiệp và tự hỏi chỉ số P/E này là cao hay thấp, giá cổ phiếu này là đắt hay rẻ chưa? Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao cùng một chỉ số P/E là 20, mà với doanh nghiệp này là hấp dẫn, nhưng với doanh nghiệp khác lại đắt chưa? Nếu đã từng đặt câu hỏi như vậy thì video này là dành cho bạn, chúng ta hãy cùng giải mã bí ẩn đằng sau chỉ số P/E của mỗi doanh nghiệp nhé!
Chỉ số P/E là gì?
P/E là viết tắt của chỉ số Price to Earning Ratio, là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu. P/E là một trong những chỉ số tài chính quan trọng được sử dụng trong định giá cổ phiếu cũng như là một căn cứ để đánh giá chất lượng của cổ phiếu.
Ý nghĩa của chỉ số P/E
Hệ số P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để có được 1 đồng lợi nhuận thu về từ cổ phiếu. Ví dụ, công ty cổ phần FPT hiện có P/E là 22,2. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 22,2 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ FPT.
Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng cao của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập trong tương lai của cổ phiếu đó, họ tin rằng công ty sẽ có triển vọng trong tương lai. Các nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao cho mỗi đồng lợi nhuận của cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành, bởi họ cho rằng các công ty đầu ngành sẽ có lợi thế quy mô vốn và tỷ lệ thị phần cao trong ngành, các doanh nghiệp uy tín này sẽ tạo ra lợi nhuận tăng trưởng ổn định hơn các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy mà những doanh nghiệp có tên trong danh mục VN30 có chỉ số P/E rất cao, một ví dụ điển hình là công ty cổ phần sữa Việt Nam, mã cổ phiếu là VNM. P/E của VNM thường duy trì ở mức cao trong liên tiếp nhiều năm và còn cao hơn chỉ số P/E trung bình của toàn thị trường chứng khoán. Chính bởi là doanh nghiệp đầu ngành sữa, thêm vào đó là có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng đều đặn trong quá khứ nên kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp này là rất lớn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có lợi thế độc quyền cũng sẽ có chỉ số P/E cao như công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn, mã cổ phiếu là SCS hay công ty cổ phần dịch vụ hàng không Taseco, mã cổ phiếu là AST cũng có chỉ số P/E cao bởi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này được duy trì ở mức cao, chỉ số ROA, ROE cao và độc quyền trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trong ngành hàng không.
Các doanh nghiệp tốt có yếu tố tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh thường được thị trường chấp nhận mức P/E cao nhưng không phải doanh nghiệp nào có chỉ số P/E cao cũng là doanh nghiệp tốt. Bạn hãy lưu ý, chỉ số P/E chịu tác động bởi 2 yếu tố, đó là thị giá cổ phiếu và EPS, khi EPS quá thấp, mà giá cổ phiếu lại cao trong 1 thời điểm nào đó do yếu tố thị trường hay yếu tố cổ phiếu bị làm giá, thì chỉ số P/E của DN đó cũng sẽ cao. Lúc này, chỉ số P/E cao không đại diện cho DN tiềm năng mà đại diện cho yếu tố đầu cơ thị trường của cổ phiếu. Để bạn hiểu rõ hơn về trường hợp này, YSedu xin được đưa ra ví dụ về mã cổ phiếu ROS của công ty cổ phần xây dựng FLC Faros. Chỉ số P/E của công ty này từng rất cao, năm 2016 P/E là 100,61. Lý do P/E cao như vậy là do EPS của ROS ở mức rất thấp, nhưng cổ phiếu lại bị làm giá quá nhiều chỉ trong chưa đầy 1 năm rưỡi mà cổ phiếu này có mức tăng hơn 30 lần. Kết quả là, sau khi thị giá lập đỉnh vào năm 2017 với mức giá 209,000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp lao dốc không phanh và hiện chỉ còn được giao dịch quanh mức 5000 đồng/cổ phiếu Như vậy nhà đầu tư cần thận trọng với các cổ phiếu có mức P/E cao mà lợi nhuận trên mỗi cổ phần lại thấp tức EPS thấp, bởi đó là tín hiệu cảnh báo rủi ro đầu cơ của cổ phiếu.
Khi nào chỉ số P/E sẽ thấp?
Với các DN tăng trưởng lợi nhuận cao trong kỳ, tức EPS trong kỳ của DN tăng, nhưng vì lý do nào đó mà thị trường chưa định giá đúng mức cổ phiếu này và giá cổ phiếu không tăng thì trong ngắn hạn P/E của DN sẽ ở mức thấp. Lúc này, cổ phiếu đang bị định giá thấp và đây là cơ hội để bạn có thể sở hữu những cổ phiếu chất lượng với mức giá hời nếu DN vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong nhiều năm. Với các trường hợp doanh nghiệp có mức EPS tăng đột biến có những khoản lợi nhuận bất thường đến từ việc thanh lý tài sản hay thoái vốn. Lúc này khi giá cổ phiếu chưa kịp tăng thì mức P/E của cổ phiếu đó có thể vẫn ở mức thấp, với cổ phiếu có tính đột biến lợi nhuận như vậy sẽ không phù hợp cho chiến lược đầu tư trung dài hạn nhưng sẽ phù hợp cho những ai yêu thích việc lướt sóng ngắn hạn. Thị trường luôn có những cổ phiếu có nhịp tăng ngắn hạn do P/E đột ngột ở mức thấp vì EPS cao đột biến.
Ở tình huống tiêu cực, có 1 số trường hợp khiến P/E của cổ phiếu ở mức thấp.
- Doanh nghiệp chấm dứt chu kỳ tăng trưởng, bước vào giai đoạn bão hòa hay suy thoái. Với các trường hợp như vậy thông thường nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân sẽ bán rất mạnh khiến cho giá của cổ phiếu liên tục giảm sâu khiến mức P/E sụt giảm đột ngột trong ngắn hạn. Với các tình huống như vậy nhà đầu tư nên có hành động bán sớm khi DN kết thúc chu kỳ tăng trưởng.
- DN làm ăn thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp, hay không tăng trưởng trong nhiều kỳ. Với các DN như vậy thông thường nhà đầu tư sẽ không muốn trả giá cao cho mỗi đồng lợi nhuận của DN nên mức P/E sẽ thấp.
Vậy chỉ số P/E như thế nào được coi là tốt?
P/E là 1 trong các phương pháp định giá so sánh, bởi vậy hệ số P/E khi đứng 1 mình sẽ không có nhiều ý nghĩa vì bạn sẽ khó mà biết được chỉ số P/E đó đang là cao hay thấp, đắt hay rẻ mà bạn cần phải thực hiện phép so sánh với hệ số tham chiếu. Ngoài ra bạn cần chú ý các yếu tố sau:
- Đánh giá tình hình kinh doanh thực tế và tốc độ tăng trưởng
Nhà đầu tư có thể chọn những doanh nghiệp có chỉ số P/E cao với điều kiện tốc độ tăng trưởng phải cao hơn hăn so với mặt bằng chung của thị trường. Nếu chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E của doanh nghiệp vẫn cao thì không nên mua cổ phiếu đó.
- So sánh P/E với các đối thủ cùng ngành và trung bình ngành
Để đánh giá chỉ số P/E của 1 doanh nghiệp là tốt hay không thì phải so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực hoạt động kinh doanhVì mỗi ngành nghề sẽ có mức P/E khác nhau do đặc tính kinh doanh ngành nghề, mức rủi ro tài chính của ngành . Nếu muốn so sánh số liệu P/E doanh nghiệp với trung bình ngành, bạn chỉ cần truy cập công cụ YSradar, gõ tên mã cổ phiếu của doanh nghiệp bạn đang quan tâm, công cụ sẽ ngay lập tức hiển thị biểu đồ so sánh P/E cho bạn.
- Đánh giá yếu tố rủi ro của một doanh nghiệp
Nếu một doanh nghiệp có P/E cao nhưng lại tồn tại rủi ro về tài chính như nợ hay rủi ro về kinh doanh thì nhà đầu tư cũng phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không.
- Đánh giá P/E của doanh nghiệp qua một khoảng thời gian
Lợi nhuận dễ biến động, do đó P/E cũng dễ bị bóp méo theo. Bởi vậy bạn nên đánh giá P/E qua khoảng thời gian từ 3-5 năm để có nhận định đúng nhất về P/E của doanh nghiệp.
P/E tuy là cách định giá đơn giản, hiệu quả nhưng dễ bị bóp méo bởi chỉ tiêu lợi nhuận. Với những DN cố tình nấu sổ sách thì doanh thu lợi nhuận ảo thì EPS cũng có yếu tố rủi ro, do đó lúc này sử dụng hệ số P/E sẽ cực kỳ rủi ro. Vì vậy bạn cần kết hợp các yếu tố khác để có đánh giá cũng như cái nhìn chính xác về doanh nghiệp. Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn trong danh mục đầu tư của mình.